Giới thiệu kết quả đề tài KHCN cấp Quốc gia: “Hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về chính sách dân tộc của Việt Nam từ năm 1986 đến nay”

30/07/2019

Mã số: CTDT/16-20
                                                Thuộc chương trình: KHCN Quốc gia 2016-2020
                                                                                                                  Chủ nhiệm đề tài: TS. Trịnh Quang Cảnh

          Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với khoảng 13,6 triệu người chiếm khoảng 14% dân số cả nước. Các DTTS cư trú trên địa bàn rộng lớn, phân tán trên mọi vùng miền của Tổ quốc, chủ yếu sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của đất nước. Với vai trò trọng yếu trong phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là an ninh và quốc phòng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi vấn đề dân tộc, công tác dân tộc (CTDT) và đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản và có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Hệ thống chính sách dân tộc (CSDT) ngày càng hoàn thiện đã và đang đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Kể từ khi bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước 1986 đến nay, vùng đồng bào DTTS đã trải qua những bước tiến phát triển mới theo các thang bậc khác nhau cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống CSDT ngày càng đồng bộ và hoàn thiện.

Để có được hệ thống CSDT đó không thể không kể đến những đóng góp quan trọng của các nghiên cứu về CSDT. Các nghiên cứu về CSDT từ năm 1986 đến nay đã và đang cung cấp các luận cứ khoa học một cách chân thực, khách quan bằng những minh chứng cụ thể thông qua các nghiên cứu, điều tra, khảo sát với cách tiếp cận đa chiều, nhiều cấp từ Trung ương tới địa phương và quan trọng là tiếng nói của người dân trong việc hoạch định, xây dựng và thực hiện CSDT. Các công trình trên đã có những đóng góp tích cực về lý luận, tổng kết thực tiễn, cung cấp những luận cứ làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định, tổ chức thực hiện CSDT. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này còn bộc lộ những hạn chế nhất định, vẫn còn nhiều “khoảng trống” liên quan đến các nghiên cứu về CSDT.

Vì vậy, Hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về CSDT của Việt nam từ năm 1986 đến nay là hết sức quan trọng nhằm phân tích một cách khoa học các công trình nghiên cứu về CSDT; nghiên cứu này dựa trên cơ sở hệ thống hóa các nghiên cứu về CSDT. Đây chính là hoạt động nhằm thống kê, tập hợp cơ bản, tương đối đầy đủ các nghiên cứu về CSDT; sắp xếp lại chúng theo một bộ tiêu chí xác định, thành một chỉnh thể, một hệ thống để thuận lợi cho cái nhìn tổng thể, khái quát và toàn diện vấn đề CSDT ở Việt nam .

Việc hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về CSDT của Việt Nam từ năm 1986 đến nay xuất phát từ lý do cơ bản sau:

- Từ trước đến nay chưa có nhiều đề tài nghiên cứu nào về hệ thống hóa, đánh giá nghiên cứu các CSDT ở Việt Nam một cách hoàn chỉnh, khoa học và logic từ năm 1986 đến nay.

- Việc đánh giá nghiên cứu chính sách ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay chưa được quan tâm nhiều; việc nghiên cứu đánh giá và đánh giá các nghiên cứu CSDT chưa có tính hệ thống hóa, thiếu tính liên kết, phương pháp tiếp cận giữa các nghiên cứu chính sách với việc ban hành, xây dựng CSDT.

- Thực chất trong thời gian qua, CSDT ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất hợp lý; hiệu quả dân tộc còn thấp. Trong xây dựng và ban hành một số CSDT, mục tiêu thì lớn, nguồn lực không đủ đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư.

- Việc hệ thống hóa và nghiên cứu CSDT ở Việt Nam có nhiều những đánh giá, phân loại mang tính hệ thống, tuy nhiên lại chưa có những đánh giá làm rõ những khoảng trống của chính sách trên phạm vi tổng thể các chính sách hiện hành.

Xuất phát từ những lý do trên, việc thực hiện đề tài “Hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về CSDT của Việt Nam từ năm 1986 đến nay” có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra những khoảng trống mà các nghiên cứu chưa đạt được từ đó có những phương hướng, giải pháp, kiến nghị góp phần hoàn thiện CSDT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Trên cơ sở hệ thống hóa, đánh giá các nghiên cứu về CSDT từ năm 1986 đến nay, xác định khoảng trống về CSDT cần được nghiên cứu làm rõ trong thời gian tới và tổng hợp, đề xuất, khuyến nghị hoàn thiện CSDT.

Để làm rõ được mục tiêu nêu trên, đề tài đã hệ thống hóa được các công trình nghiên cứu có liên quan, trên cơ sở đó để lựa chọn một số công trình nghiên cứu tiêu biểu để phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả, đóng góp của nghiên cứu. Các nghiên cứu về CSDT thường liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, nên để làm rõ được đối tượng nghiên cứu, đề tài sử dụng các cách tiếp cận sau:

Một là, tiếp cận về chủ thể nghiên cứu: Là việc xem xét trong thời kỳ đổi mới những tổ chức, cá nhân (trong nước và quốc tế) đã quan tâm nghiên cứu về CSDT ở Việt Nam. Lý do sự ra đời các công trình nghiên cứu đó là gì; trên bình diện tổng quan và cụ thể các vấn đề, nội dung CSDT được những cá nhân, tổ chức nào quan tâm.

Hai là, tiếp cận về tính chất của các nghiên cứu: Là việc nghiên cứu, xem xét các tổ chức, cá nhân nghiên cứu quan tâm đến những vấn đề lý luận, thực tiễn, ứng dụng...nào của CSDT. Hay nói cách khác là xem  xét và phân loại hay phân hệ các công trình nghiên cứu trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua đối với CSDT ở Việt Nam (chính sách công, chính sách vùng, chính sách lĩnh vực, chính sách tộc người, lý luận chính sách...)

Ba là, tiếp cận về phương pháp luận và cách tiếp cận nghiên cứu: là việc xem xét các nhãn quan khoa học, lý luận, triết học, phương pháp luận ... của các tổ chức, cá nhân khi nghiên cứu về CSDT;  xem xét hiệu quả các tính ứng dụng đóng góp cho các cơ quan chức năng trong nhận thức lý luận và hoạch định CSDT; chính quyền các cấp trong góp phần xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện CSDT ở các địa phương; là việc so sánh các nghiên cứu và vấn đề CSDT của Việt Nam và một số quốc gia...nhằm thấy được kết quả, tính đặc thù và khoảng trống trong nghiên cứu và bản thân CSDT của Việt Nam để xác lập luận cứ khoa học để góp phần hoàn thiện, đổi mới,nâng cao chất lượng CSDT ở Việt Nam trong giai đoạn tới. 

Bốn là, tiếp cận liên cấp vấn đề đánh giá CSDT thông qua các công trình nghiên cứu CSDT ở Việt Nam: đòi hỏi phải xem xét vấn đề này liên thông ở cả 3 cấp độ: Vĩ mô, trung mô và vi mô (trung ương, tỉnh và huyện xã) đồng thời có sự đan xen, tác động qua lại lẫn nhau giữa các cấp quản lý trong hoạch định các chính sách phát triển đối với vùng DTTS. Ở cấp vĩ mô, chủ yếu nghiên cứu, xem xét thể chế, chính sách, các quan điểm về phát triển vùng, phân bổ lợi ích, thành quả của phát triển kinh tế, xã hội; cấp tỉnh xem xét, việc quản lý, chỉ đạo chính sách vùng và chính sách địa phương; cấp huyện, xã về trình độ, năng lực và khả năng tổ chức thực hiện và nhận dạng những biến đổi của đời sống tộc người để “phản hồi” với cấp vĩ mô và trung mô làm cơ sở điều chỉnh chính sách phát triển bền vững các vùng DTTS.

Năm là, tiếp cận nội sinh kết hợp ngoại sinh: Cách tiếp cận này đòi hỏi các nghiên cứu cũng như đề xuất giải pháp phải xem xét đầy đủ cả yếu tố bên trong và các tác nhân bên ngoài trong xây dựng CSDT, mà  vấn đề cơ bản là phải chuyển hoá được các nguồn lực bên ngoài biến thành năng lực nội sinh bên trong, phát huy sức mạnh của đồng bào dân tộc. Yếu tố nội sinh được khơi dậy, phát huy đúng hướng sẽ quyết định việc phát triển từng dân tộc, mà ở đó phát triển bền vững đời sống kinh tế-văn hoá xã hội, ổn định tư tưởng, tâm lý, tránh để kẻ thù lợi dụng kích động. Cách tiếp cận này còn đòi hỏi phải xem xét sự hình thành, nguồn gốc lịch sử và và sự phát triển của các dân tộc gắn với môi trường tự nhiên và biến đổi trong các quan hệ tương tác giữa nội sinh và ngoại sinh. Để từ đó đề xuất hướng xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi mang tính hợp lý và logic.

Sáu là, tiếp cận quyền của người thụ hưởng chính sách: Đòi hỏi phải xem xét các DTTS không chỉ là điểm đến của các chính sách, mà còn là điểm xuất phát cho sự hình thành các chính sách. Điều đó mới cho phép khắc phục những cách làm áp đặt trong xây dựng, tổ chức, thực hiện CSDT. Với cách tiếp cận này, vùng DTTS và miền núi, không chỉ là đối tượng thụ hưởng CSDT, mà còn phải được tham dự vào quá trình xây dựng, tổ chức, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi để họ có điều kiện phản ánh nhu cầu, lợi ích của mình trong mỗi giải pháp phát triển. Ở đây, người dân được đặt ở vị trí trung tâm để đề xuất quan điểm, giải pháp đổi mới chính sách phát triển, chính sách xã hội ở vùng DTTS và miền núi.

Để thực hiện đề tài nhóm tác giả tập hợp các phương pháp luận chung của các ngành khoa học, hay còn gọi là phương pháp tri thức luận, gồm có phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp logic, phương pháp hệ thống và phương pháp chuyên ngành của nhân học, dân tộc học, xã hội học và chính trị học.

 Đề tài đã tổ chức 5 cuộc Hội thảo với các cơ quan, sở, ban ngành, các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương để xin ý kiến về kết quả phân loại, đánh giá các nghiên cứu và góp ý cho báo cáo kết quả nghiên cứu cuối cùng của đề tài.

Thông qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã thu được một số kết quả sau:

1.Hệ thống hóa các nghiên cứu về CSDT.

Qua hệ thống hóa các nghiên cứu về CSDT ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay cho thấy đã có hàng nghìn công trình nghiên cứu trực tiếp, gián tiến liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh , môi trường… đối với các DTTS và vùng dân tộc.

 Bảng 1.1. Tổng hợp các công trình nghiên cứu về CSDT

TT

Nội dung

Số lượng

Tỷ lệ %

I

Nghiên cứu CSDT theo lĩnh vực

338

62,0

1

Nghiên cứu lý luận, tổng hợp

61

11,2

2

Nghiên cứu Chính sách kinh tế (CSKT), giảm nghèo

50

9,2

3

Nghiên cứu chính sách văn hóa (CSVH), xã hội

62

11,4

4

Nghiên cứu chính sách y tế

9

1,7

5

Nghiên cứu chính sách giáo dục (CSGD), nguồn nhân lực

24

4,4

6

Nghiên cứu chính sách cán bộ

39

7,2

7

Nghiên cứu về hệ thống chính trị

 

13

2,4

8

Nghiên cứu chính sách về môi trường, Biến đổi khí hậu (BĐKH)

57

10,5

9

Nghiên cứu chính sách quan hệ dân tộc (QHDT), hội nhập quốc tế

23

4,2

II

 Nghiên cứu CSDT theo vùng

166

30,5

10

Nghiên cứu CSDT vùng Miền núi phía Bắc

50

9,2

11

Nghiên cứu CSDT vùng Duyên hải miền Trung

15

2,8

12

Nghiên cứu CSDT vùng Tây Nguyên

75

13,8

13

Nghiên cứu CSDT Nam Bộ

9

1,7

14

Nghiên cứu CSDT vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK)

17

3,1

III

 

Nghiên cứu CSDT theo tộc người

41

7,5

 

Tổng cộng

545

100

 

 

 

 

Nguồn: Kết quả tổng hợp của đề tài

Kết quả rà soát, tổng hợp các công trình nghiên cho thấy, phần lớn các công trình nghiên cứu CSDT hiện nay tập trung vào nghiên cứu theo từng lĩnh vực. Trong số 545 công trình nghiên cứu về CSDT từ năm 1986 đến nay, có 338 công trình nghiên cứu theo lĩnh vực chiếm 62%, tiếp đến là nghiên cứu CSDT theo vùng có 166/545 công trình chiếm 30,5% và cuối cùng là nghiên cứu CSDT theo tộc người chỉ chiếm 7,5%. Trong 41 nghiên cứu chính sách theo tộc người thu thập được chỉ chiếm 8% trong các nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu chủ yếu tập trung vào các dân tộc có dân số ít, rất ít, hoặc dân tộc rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Như vậy có thể thấy, thời gian qua các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng và thực hiện chính sách theo từng lĩnh vực cụ thể trên phạm vi cả nước. Ngược lại, nghiên cứu CSDT theo tộc người còn rất hạn chế. Có thể thấy CSDT kể từ khi đổi mới đến nay luôn nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các cơ quan, bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Kết quả nghiên cứu đã đóng góp quan trọng chỉ ra những thành công, hạn chế, bất cập của các nghiên cứu CSDT.

2.Các nghiên cứu đã chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong xây dựng và thực hiện CSDT

Thứ nhất, về xây dựng và tổ chức thực hiện CSDT.

Sự chồng chéo trong hệ thống CSDT dẫn tới việc điều phối chính sách này trên thực tế gặp khó khăn. Các CSDT được thiết kế theo ngành, lĩnh vực khá độc lập với nhau, đôi khi còn thiếu sự gắn kết các chính sách trong một ngành (giáo dục, y tế...) và giữa các ngành khác nhau tạo ra tính phân tán. chồng chéo trong chính sách, không thể thực hiện việc điều phối chung để đạt được hiệu quả một cách toàn diện và tổng thể.

Sự chồng chéo về CSDT thể hiện ở ba khía cạnh chính là nội dung, đối tượng thụ hưởng và thời gian thực hiện chính sách trên cùng một địa bàn. Ví dụ, về nội dung, có tới 6 chính sách hỗ trợ nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Về đối tượng thụ hưởng, hộ nghèo DTTS ở đồng bằng Sông Cửu long là nhóm đối tượng hưởng nhiều chính sách nhất về giảm nghèo, do ngoài chính sách chung, còn có một chính sách riêng, mang tính đặc thù theo Quyết định 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/06/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010 và nay là Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013.

Thứ hai, vấn đề vốn và phân bổ nguồn lực.

Trong những năm qua một số CSDT được xây dựng trong bối cảnh nguồn lực chưa rõ ràng và hạn chế cho nên các nguồn lực tuy được bố trí nhưng ở mức thấp. Cũng theo Báo cáo Nghiên cứu rà soát CSDT và đề xuất xây dựng hệ thống CSDT đến năm 2020 đã chỉ ra có hàng loạt các chính sách tín dụng cho người nghèo rơi vào tình trạng này. Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của thủ tướng chính phủ về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Theo chính sách đó thì vốn vay cho phát triên sản xuất mặc dù có lãi 0% nhưng định mức vay chỉ 5 triệu đồng/hộ. Nhưng theo một nghiên cứu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và UNDP thì chỉ có khoảng 20% số hộ nghèo được vay vốn vì nguồn vốn vay quá hạn chế …

Thứ ba, vấn đề về năng lực cán bộ thực hiện CSDT.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng “Một số cán bộ cơ sở chỉ chú trọng thực hiện chính sách dễ làm, có lợi cho bản thân và gia đình, không tích cực thực hiện các chính sách ít có lợi cho bản thân và gia đình, khó triển khai”. Đồng thời với đó là là sự phân cấp, phân quyền cho cán bộ cũng ảnh hưởng tới việc triển khai chính sách “Nhiều cán bộ cơ sở vẫn còn tư tưởng ngại phân cấp cho cấp dưới, nhất là việc phân cấp làm chủ đầu tư dự án”..

Thứ tư, một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm vùng và người DTTS

 Đã có nghiên cứu chỉ ra sự chưa phù hợp đó trong chính sách 135 giai đoạn II, “Hợp phần tập huấn có sự không phù hợp đó là mô hình thí điểm làm ở diện tích có điều kiện tương đối thuận lợi, trong khi thực tế nhiều mảnh ruộng ở địa hình rất cao, rất manh mún, thiếu nước tưới, không thể gùi phân lên cao, chỉ thực hiện bón phân 1 lần/vụ; không đủ vốn để đầu tư theo yêu cầu kỹ thuật; một số hộ có nội lực nhưng thấy quá vất vả, khó khăn nên không làm theo. Hay chương trình giảm nghèo phát máy gặt lúa nhưng không sử dụng được do không phù hợp với địa hình và điều kiện canh tác của địa phương. Chính sách hỗ trợ việc làm chưa phù hợp với tập quán không thích xa nhà của người DTTS, do vậy nỗ lực xuất khẩu lao động không thực hiện được...

Thứ năm, một số chính sách hiệu quả chưa như mong đợi.

Có thể nói, mặc dù hệ thống chính sách đã bao phủ toàn bộ đời sống kinh tế xã hội vùng DTTS nhưng thực tế hiệu quả  một số chính sách vẫn chưa như mong đợi. Theo các báo cáo nghiên cứu thì người DTTS vẫn là thuộc nhóm yếu thế, thể hiện ở chỗ: Có sự cải thiện nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng, nghèo đói dai dẳng trong các DTTS vẫn là vấn đề nổi cộm; Việc tiếp cận rất hạn chế đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế nhất là các dịch vụ y tế miễn phí cho người DTTS.

3. Các nghiên cứu đã chỉ ra những vấn đề cần quan tâm nghiên cứu và ban hành chính sách trong thời gian tới.

- Về thành phần dân tộc trong mối quan hệ tổ chức thực hiện CSDT.

           - Cần nghiên cứu và quán triệt trong chính sách phát triển tộc người đối với các tộc người thiểu số,giải quyết hài hòa giữa lợi ích tộc người và lợi ích quốc gia, giữa phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Đa dạng hóa chính sách trong phát triển .

- Cần thường xuyên đánh giá tổng kết CSDT trong vấn đề dân tộc

- Nghiên cứu các chính sách về bảo tồn, làm giàu và  phát triển các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển bền vững.

- Xây dựng chủ thể văn hóa và chủ thể phát triển trong quá trình xây dựng và triển khai chính sách.

-  Đánh giá và xây dựng cơ sở lý luận cho việc thiết kế hệ thống các chương trình quốc gia, các dự án trong mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài

- Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển con người và đội ngũ cán bộ người DTTS, đa dạng hoá việc xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực các DTTS để có thể phát huy có hiệu quả nội lực của các dân tộc.

4. Một số khuyến nghị

Qua hệ thống hóa và đánh giá các nghiên cứu về CSDT từ năm 1986 đến nay cho thấy, ngoài những kết quả đạt được, CSDT trong thời gian tới cần phải đổi mới trong xây dựng và thực thiện chính sách theo hướng:

Một là, đổi mới cơ quan quản lý nhà nước về CTDT theo hướng tập trung ở một đầu mối tập trung ở một Bộ trong xây dựng, kiểm tra, đánh giá và thực hiện CSDT để giảm sự trùng chéo chính sách.

Hai là, đổi mới CSDT theo hướng tập trung nguồn lực, tránh giàn trải, manh mún, phân tán nguồn lực.

Ba là, CSDT cần đổi mới theo hướng trao quyền, cơ hội cho người DTTS

Bốn là, chính sách tập trung nâng cao năng lực để đồng bào DTTS tiếp cận các cơ hội phát triển, nội lực ở vùng DTTS.

Bốn là, việc xây dựng và thực hiện CSDT cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, vùng DTTS.

Năm là, chính sách phát triển kinh tế, giảm nghèo cần thực hiện đồng bộ từ sản xuất điến tiêu thụ sản phẩm.

Khuyến nghị một số chính sách cụ thể:

- Thực hiện đồng bộ chính sách phát triển theo vùng dân tộc và chính sách phát triển theo tộc người tránh trùng lặp manh mún.

- Cần có các CSDT nhằm nhằm phát triển nâng cao thể lực và môi trường sống  và sinh tồn cho các tộc người.

- Các  CSDT nhằm thực hiện phát triển giáo dục đào tạo vùng DTTS.

- Tạo nguồn để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý lãnh đạo là người DTTS cả về tri thức khoa học và bản lĩnh chính trị.

Tóm lại, CSDT là một trong những nội dung quan trọng của CTDT. Xuất phát từ tầm quan trọng của của vấn đề dân tộc, công tác nghiên cứu CSDT được giới nghiên cứu nước ta quan tâm chú ý, đặc biệt từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới mở cửa hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Công tác nghiên cứu về CSDT được các nhà khoa học quan tâm sâu sắc. Những thành tựu trong nghiên cứu về CSDT là to lớn cả về số lượng lẫn chất lượng, đã góp phần hoàn thiện chính sách trong mỗi giai đoạn của lịch sử, góp phần tích cực đưa CSDT vào cuộc sống ở vùng đồng bào các DTTS.

Xuất phát từ những thành tựu tích cực của nghiên cứu CSDT đã  góp phần phát triển về đời sống kinh tế xã hội các DTTS ở Việt Nam. Tuy nhiên, công tác nghiên cứu CSDT từ sau năm 1986 vẫn tồn tại một số khoảng trống cần quan tâm làm sáng tỏ để một mặt hoàn thiện CSDT. Mặt khác, góp phần xây dựng CSDT phù hợp, khách quan, khoa học và đi vào cuộc sống.

Từ thực tiễn của nghiên cứu CSDT và từ  những khoảng trống trong nghiên cứu CSDT trong thời gian tới cần: Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về xác định thành phần dân tộc; Giải quyết hài hòa giữa lợi ích tộc người và lợi ích quốc gia, giữa phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; Đa dạng hóa chính sách trong phát triển Đánh giá tổng kết vấn đề dân tộc và CSDT; Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển bền vững; Phát huy quyền chủ thể của đồng bào DTTS trong phát triển xây dựng chủ thuyết cho việc thiết kế các CSDT; Xây dựng chiến lược phát triển con người và đội ngũ cán bộ người DTTS…

Đặc biệt, trong nghiên cứu CSDT cần đẩy mạnh hơn nữa các nghiên cứu phản biện chính sách, ưu tiên các nghiên cứu phản biện văn bản chính sách, bảo đảm các nội dung của chính sách và sự tham gia đồng thuận của các bên liên quan. Đồng thời, triển khai thực hiện thí điểm chính sách trước khi ban hành và thực hiện rộng rãi các chính sách đến vùng đồng bào DTTS, có như vậy CSDT mới đi vào cuộc sống của đồng bào./.

Chu Minh Quân

 

ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068