Giới thiệu kết quả đề tài Khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2018: Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới vấn đề việc làm của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam

06/06/2019

Chủ nhiệm đề tài: TS. Phí Hùng Cường
     Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0, những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh thậm trí bị đe dọa nghiêm trọng. Trong tương lai người dân có thể mất việc làm bởi những lĩnh vực mà công nghệ Robot có thể tác động tới. Tất cả những điều đó đang đặt ra cơ hội và thách thức đối với vấn đề việc làm của lao động Việt Nam, trong đó có người dân tộc thiểu số (DTTS). Vì vậy, Đề tài: “Tác động của cách mạng công nghiệp công nghiệp 4.0 tới vấn đề việc làm của người DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam (Qua khảo sát tỉnh Thái Nguyên)” vừa có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Việc đề ra giải pháp phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0 tới việc làm của người DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam là rất cần thiết.
Từ việc nghiên cứu cơ sở khoa học về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề tài phân tích tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 tới việc làm của người DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam (Qua khảo sát tỉnh Thái Nguyên) và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới việc làm của người DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam.
     Trong quá trình thực hiện, Đề tài đã lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với đối tượng nghiên cứu để đạt mục tiêu đặt ra, đó là: Tiếp cận hệ thống; Tiếp cận lịch sử; Tiếp cận liên ngành; Tiếp cận liên cấp; Tiếp cận nội sinh kết hợp ngoại sinh. Để phù hợp với cách tiếp cận, đề tài lựa chọn nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau, trong đó chú trọng một số phương pháp dưới đây: (i). Phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh; (ii).  Phương pháp phân tích, xử lý số liệu; (iii). Phương pháp phỏng vấn sâu; (iv) Phương pháp chuyên gia. Các phương pháp này được vận dụng phối kết hợp, linh hoạt, và phù hợp với đối tượng và nội dung nghiên cứu.
Thông qua quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài đã thu được một số kết quả sau: Thứ nhất, Hệ thống hóa cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề việc làm ở Việt Nam; Thứ hai, Bước đầu nhận diện tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 tới việc làm của người DTTS tỉnh Thái Nguyên nói riêng và miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung; Thứ ba, Đề xuất các giải pháp phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư tới việc làm của người DTTS tỉnh Thái Nguyên nói riêng và miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung.
     Ý nghĩa của đề tài: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên tất cả các phương diện từ quản trị của Nhà nước đến kinh tế - xã hội - môi trường. Trong bối cảnh và xu thế đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những quan điểm và đề ra các chủ trương, chính sách để giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong hoạch định chiến lược, chính sách ứng phó trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phân tích lý luận và thực tiễn của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện. Nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa, ảnh hưởng việc làm của hàng triệu lao động. Nhiều cơ chế chính sách hiện hành chưa tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và chuyển đổi thông minh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ thông tin. Sự tiếp cận với công nghiệp thông minh còn thiếu tính kết nối và chưa sáng tạo, đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế có xuất phát điểm còn khiêm tốn, chưa đồng đều; nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng cao, dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn an ninh thông tin; đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Vẫn đề đặt ra là Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
Vấn đề việc làm, giải quyết việc làm là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những nước có nền kinh tế phát triển. Để giải quyết vấn đề này, nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, có những biện pháp nhằm trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động nhưng cũng có biện pháp chỉ mang tính chất hỗ trợ. Các biện pháp mang tính hỗ trợ cho giải quyết việc làm như khuyến khích đầu tư, lập các chương trình việc làm, phát triển hệ thống dịch vụ việc làm, dạy nghề gắn với việc làm, thành lập các quỹ giải quyết việc làm, cho vay từ các quỹ chuyên dụng…Các biện pháp trực tiếp giải quyết việc làm như đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khuyến khích tuyển dụng lao động và tự do lao động. Tất cả nhằm hướng tới mục đích làm giảm tình trạng thất nghiệp, mất cân bằng lao động.
     Xuất phát từ thực trạng vấn đề nghiên cứu, đề tài đã xây dựng những giải pháp nhằm phát huy tác động tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tới việc làm của người DTTS miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Các giải pháp đó là:
     a) Chính phủ nên xem xét và thực hiện các chính sách hỗ trợ việc sớm áp dụng tự động hóavà đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Đây chính là hướng tiếp cận chủ động đón đầu tận dụng cơ hội có thể mang lại của cuộc CMCN 4.0 cho Việt Nam;
     b) Chính phủ cần khuyến khích học tập suốt đời thông qua tài trợ kinh phí đào tạo kỹ năng cho người lao động nói chung và người lao động dễ bị tổn thương bởi tác động của cuộc CMCN 4.0 nói riêng;
     c) Các doanh nghiệp cần đánh giá giá trị tiềm năng từ tự động hóa,từ đó tham vấn với tổ chức đại diện cho người lao động xây dựng một kế hoạch chiến lược toàn diện,bao gồm đầu tư vốn và trang bị kỹ năng cho người lao động giúp họ thích nghi với đòi hỏi của công nghệ mới, cách thức tổ chức lại lao động, trong đó kết hợp tương tác giữa người lao động và người máy (rôbốt) theo từng công đoạn sản xuất;
     d) Doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hoạt động đào tạo kỹ năng thời đại công nghệ số,giúp người lao động gắn bó với doanh nghiệp, trở thành “chìa khóa” cho tăng trưởng năng suất bền vững của công ty;
     e) Với người lao động - chủ thể quan trọng của quan hệ lao động cần chủ động nắm bắt cơ hội của cuộc CNCN 4.0, thay đổi cách thức tư duy thụ động tìm việc qua thị trường lao động truyền thống sang tư duy “khởi sự” từ chính mình, biết cách chuẩn bị các kỹ năng và kiến thức mới, đặc biệt chú trọng cách làm việc mới trong thời đại kỹ thuật số.
     Các giải pháp dành riêng cho người DTTS:
      a) Áp dụng chính sách cử tuyển đối với học sinh người DTTS tại các huyện miền núi (để nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ học vấn cho người DTTS);     
     b) Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của tỉnh (Tăng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu sô);
     c) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức người DTTS;
     d) Trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS bằng cách đưa cán bộ trẻ có trình độ, năng lực người DTTS về tham gia lãnh đạo, quản lý tại các xã miền núi./.
 
ĐIỆN THOẠI HỖ TRỢ

+ 0912.205.509
+ 0829.638.068